ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP MÔN VĂN 2024 CỤM CHUYÊN MÔN SỐ 3 ĐẮK LẮK

Người đăng Huyền Lê Thanh | Ngày 16/04/2024 | 132

Dưới đây là đề thi thử môn văn năm 2024 của cụm chuyên môn số 3 tỉnh Đắk Lắk với phần tập làm văn: Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lái đò trong đoạn văn nói về cuộc chiến đấu phá ba trùng vi thạch trận trên sông Đà và sau cuộc chiến ấy. Từ đó nhận xét quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân về con người. Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP MÔN VĂN 2024 CỤM CHUYÊN MÔN SỐ 3 ĐẮK LẮK

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Thuở nhỏ tôi ra ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

(Đò Lèn – Nguyễn Duy, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 148)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ. (0,75 điểm)
Câu 2. Các từ “lảo đảo”, “thập thững” có vai trò gì trong việc thể hiện những hình ảnh cô đồng và người bà. (0,75 điểm)
Câu 3. Sự vô tâm của người cháu và nỗi cơ cực của người bà thể hiện qua những hồi ức nào? Người cháu đã bày tỏ nỗi niềm gì qua những hồi ức đó? (1,0 điểm).
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (0,5 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ câu trả lời của anh/chị cho câu hỏi về hạnh phúc: "Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?"

Câu 2.( 5 điểm)

Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, khi miêu tả cuộc chiến đấu của ông lái đò trên chiến trường sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân viết:
Ở vòng vây thứ nhất “ông đò cố nén vết thương...trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận làn thứ nhất ”. Ở vòng vây thứ hai ông lão “Không một phút nghỉ tay, nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này...Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy...đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”.

Trong hiệp đấu thứ ba, ông lão đã điều khiển con thuyền “...chọc thủng cửa giữa. Thuyền vút qua cổng đa cánh mở, cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác.”

Và sau cuộc chiến trên mặt trận sông nước thì “đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá. Nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ cá dầm xanh ... cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi”.

(Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2011)

Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lái đò trong đoạn văn nói về cuộc chiến đấu phá ba trùng vi thạch trận trên sông Đà và sau cuộc chiến ấy. Từ đó nhận xét quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân về con người.

…………………………….. HẾT………………………………

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP 2024 MÔN VĂN CỤM 3 ĐẮK LẮK

I. ĐỌC HIỂU

1. Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp với biểu cảm.

2. Từ “lảo đảo” gợi tả chân thực và sinh động hình ảnh cô đồng trong trạng thái nhập đồng nửa tỉnh, nửa say; từ “thập thững” gợi tả hình ảnh người bà già nua, tần tảo bước thấp, bước cao trong trí nhớ của tác giả.

3.

* Sự vô tâm của người cháu được thể hiện rõ qua câu thơ “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”.

* Nỗi vất vả của người bà được thể hiện qua biện pháp liệt kê các công việc của bà “mò cua, xúc tép, đi gánh chè xanh”; các địa danh “Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Dao” và qua hình ảnh người bà “thập thững” trong những đêm đông lạnh.

=> Người cháu trong đoạn thơ đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc và lẫn niềm ân hận về sự vô tình, vô tâm đối với bà qua những hình ảnh tương phản đối lập giữa một bên là người cháu tinh nghịch, hiếu động với một bên là người bà già nua, cơ cực, tần tảo, chắt chiu, thương cháu hết lòng."

4.

"Có thể trình bày một trong các thông điệp sau:

* Sống trong đời sống, dù trong hoàn cảnh nào cũng không nên sống vô tình, vô tâm.

* Hãy sống và quan tâm đến những người xung quanh mình, nhất là những người thân.

* Sống hãy biết ăn năn và cảnh tỉnh sau những lỗi lầm.

* Lỗi lầm vì vô tình vô tâm là khó tránh khỏi trong đời. Điều quan trọng là hãy biết cảnh tỉnh."

II. LÀM VĂN

1. Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) chia sẻ câu trả lời của anh/chị cho câu hỏi về hạnh phúc: "Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?"

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn nghị luận 200 chữ

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, song hành hoặc móc xích..."

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: chia sẻ suy nghĩ của bản thân về hạnh phúc: Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích ở phần Đọc hiểu, HS có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích:

* Giải thích: Hạnh phúc là niềm vui, sự hài lòng khi con người đạt được những điều tốt đẹp.

* Bình luận: Khẳng định quan niệm trong hai câu hỏi đều đúng:

* Hạnh phúc là đem đến niềm vui cho người khác, bởi ta vui khi mình sống đẹp, sống có ích, biết vị tha, làm được điều tốt đẹp cho người khác, giúp người khác hạnh phúc.

* Hạnh phúc là sự hài lòng của riêng bản thân mình, khi ta đạt được những nhu cầu, khát vọng chính đáng của bản thân, tạo ra được những thành quả tốt đẹp, nâng cao giá trị sự sống.

Bài học nhận thức: đem đến niềm vui cho người khác và bản thân được hài lòng – thì hạnh phúc mới trọn vẹn, ý nghĩa.

* Phê phán: suy nghĩ, cách sống vị kỉ, chỉ biết tới hạnh phúc riêng… 1"

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

2. Câu 2: Nghị luận văn học

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp hình tượng người lái đò trong đoạn văn miêu tả cuộc chiến đấu phá ba trùng vi thạch trận trên sông Đà của ông và hình ảnh ông sau cuộc chiến ấy. Nhận xét quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân về con người.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giới thiệu khái quát

- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Tuân

- Hoàn cảnh ra đời tác phẩm “Người lái đò sông Đà”

2. Nội dung chính

a. Khái quát chung về hình tượng ông lái đò:

- Ông lão đã 70 tuổi, làm nghề lái đò dọc đã lâu trên sông Đà.

- Hoàn cảnh: cuộc sống là một cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên, thứ thiên nhiên có lúc trông ra thành diện mạo và tâm địa như thứ kẻ thù số một của con người, ngày nào cũng phải giành sự sống từ tay nó về tay mình

b. Phân tích hình tượng ông lái đò trong cuộc chiến và sau cuộc chiến

b1. Trong cuộc chiến

* Hiệp đấu thứ nhất:

ông lái đò ở thế phòng thủ, tuy bị tấn công liên tiếp nhưng ông lão vẫn rất bình tĩnh cố nén vết thương chí mạng để tỉnh táo chỉ huy con thuyền khôn khéo vượt qua vòng vây (phân tích dẫn chứng)

=> ông lão đầy can đảm và bình tĩnh , tỉnh táo khi đối mặt với sóng thác dữ dằn chỉ muốn ăn tươi nuốt sống con thuyền, đó là bản lĩnh đã được tôi luyện trong gian khổ hiểm nguy

* Hiệp đấu thứ hai:

- Ông lão chuyển sang thế tấn công: hành động nhanh, gọn, chắc chắn, đầy uy vũ và uy lực

- Thuộc mọi quy luật, nhớ đến từng khuôn mặt của đá cho nên ông biết cách trị từng kẻ

=> Ông lão hiện lên đẹp oai phong, lẫm liệt như hình ảnh “Võ Tòng đả hổ trong Thủy Hử”. Vẻ đẹp ấy là vẻ đẹp của trí tuệ, của dũng cảm. Chiến thắng ấy là chiến thắng thuyết phục bởi kinh nghiệm và uy vũ thực sự của ông lão. Ông lái đò như một anh hùng xông pha giữa trận mạc, một vị tưỡng đầy lão luyện

* Hiệp đấu thứ ba:

- Cũng phải nắm chắc được từng vị trí và đặc điểm của cửa tử, cửa sinh trên dòng sông

- Lần này tay lái của ông lão vô cùng đặc biệt: (dẫn chứng)

=> tay lái của ông lão như là sự thăng hoa của nghệ thuật, một thứ nghệ thuật đặc biệt, đó là nghệ thuật vượt thác ghềnh sông đà, tay lái nghệ sĩ ấy được cảm nhận qua nhịp câu văn Vút/ vút/ cửa ngoài/ cửa trong/ lại cửa trong cùng như thể ông lão không lái thuyền bằng tay bằng mắt và bằng sức mà bằng hành vi sáng tạo nghệ thuật

=> Ở hiệp đấu này ông lại hiện lên như một người nghệ sĩ

b2. Sau cuộc chiến:

- Ông lái đò không hề nói đến chiến thắng vừa qua một lời nào, cũng không ai bàn đến, vì họ nghĩ cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với con sông, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên không có gì là hồi hộp=> thái độ bình thản sau chiến thắng vang dội

- Đêm ấy họ nướng cơm lam, bàn về cá anh vũ, cá dầm xanh…đó là cuộc sống cũng là niềm vui bình dị của những người lao động => vẻ đẹp bình dị, đời thường

c. Đánh giá chung về vẻ đẹp của hình tượng qua đoạn văn

- Vẻ đẹp của bản lĩnh phi thường, của trí tuệ, của phẩm chất dũng cảm và của sự tài hoa:

- Vẻ đẹp tâm hồn bình dị: Là người có phong thái ung dung, ông nhìn thử thách bằng cái nhìn bình dị mà không thiếu vẻ đẹp lãng mạn; bình tĩnh và hùng dũng ngay cả lúc bị thương.

- Hình tượng được xây dựng bằng ngòi bút tài hoa và thái độ trân trọng yêu mến của nhà văn giành cho ông lái đò. Nhà văn sử dụng tri thức hội họa, điện ảnh, võ thuật, quân sự một cách tài hoa, uyên bác để diễn tả sinh động tài nghệ của nhân vật. 2,5"

3. Nhận xét quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân về con người qua hình tượng ông lái đò.

- Ngòi bút của tác giả hướng đến những con người lao động bình thường đang âm thầm cống hiến cho đất nước. Ông phát hiện ra nét tài hoa nghệ sĩ của họ được thể hiện ngay trong công việc lao động vô cùng nguy hiểm nhưng cũng vô cùng cao cả của mình. Nguyễn Tuân gọi đó là “Cái thứ vàng mười”.

- Nhà văn nêu lên quan niệm: người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động đời thường; phẩm chất nghệ sĩ cũng có ngay cả ở những con người lao động bình dị

Thông qua hình tượng nhà văn đã bộc lộ tình yêu đất nước, niềm tự hào hứng khởi, gắn bó tha thiết với non sông Việt."

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp THPT mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử tốt nghiệp THPT 2024 môn Văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

 


Người chia sẻ: Huyền Lê Thanh
Dung lượng: | Lượt tài: 1
Loại file:
Nguồn : Chưa rõ
(Tài liệu chưa được thẩm định)