Đề thi CHÍNH THỨC môn Ngữ Văn - Kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 tỉnh Ninh Bình năm học 2023 -2024
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH BÌNH
|
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2023 – 2024 Môn thi: Ngữ Văn Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề) Đề thi gồm có 01 trang, 05 câu |
PHẦN I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3,0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:
Đời sống là phải có sự nương tựa qua lại, vì bản chất của mọi sự vật trên thế gian này vốn không thể tồn tại riêng biệt. Trong những bước đầu bỡ ngỡ, hoặc khi gặp những nghịch cảnh lớn lao mà bản thân ta không đủ sức chống chọi, thì sự hỗ trợ hết lòng và hợp lý của những đối tượng xung quanh luôn là nhu cầu rất thiết yếu. Nó sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho ta ổn định và đi tới.
Nhưng nếu cảm xúc tốt từ sự nương tựa ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ hình thành trong ta thói quen khiến ta không thể nào buông bỏ được hoặc ta cũng không hề có ý thức buông bỏ. Ta đã rơi vào tình trạng "nghiện cảm xúc". Thiếu cảm xúc ấy ta luôn thấy chới với và bất an. Tình trạng này chính là sự dựa dẫm.
[...] Bản thân ta cũng có thể tìm thấy giá trị hạnh phúc bằng chính những kỹ năng đã được rèn luyện của mình, vì hạnh phúc chân thật vốn là sự bình yên và vững chãi trong tâm hồn. Nhưng từ khi cuộc đời tạo ra quá nhiều "cây đèn" tiện nghi vật chất và tinh thần, ta đã mê mẩn và bám chặt vào chúng.
Ta dành hết thời gian, năng lực để sắm sửa và nâng niu chúng. Ta tức giận hay thù nghịch nhau cũng vì chúng. Ta loanh quanh hết cả kiếp người cũng vì chúng. Ta để cho những thứ phương tiện tạm thời ấy biến thành mục đích cao cả của cuộc sống, mà quên mất bản chất của những "cây đèn" ấy luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh... Khi đánh mất hay không còn yêu thích những cảm xúc ấy nữa, ta mới thấy nương tựa nơi chính mình là an ổn nhất.
(Dẫn theo: Hiểu về trái tim-nghệ thuật sống hạnh phúc, Minh Nhiệm, NXB tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, trang 313-314)
Câu 1. Theo tác giả, vì sao đời sống là phải có sự nương tựa qua lại?
Câu 2. Chỉ ra phép liên kết được sử dụng tỏng những câu văn sau: Ta đã rơi vào tình trạng "nghiện cảm xúc". Thiếu cảm xúc ấy ta luôn thấy chới với và bất an.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Bản thân ta cũng có thể tìm thấy giá trị hạnh phúc bằng chính những kỹ năng đã được rèn luyện của mình?
Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh chị rút ra từ văn bản trên.
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ ngữ liệu trên ở phần I, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về vai trò củ tính tự lập trong cuộc sống mỗi người.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận hình ảnh người lính trong đoạn thơ sau:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, Ngữ văn 9, tập 1,
NXB Giáo dục, 2016, tr.132)
-----HẾT-----